1 FFXII International Zodiac Job System (PS2)[Review] Sat Jan 26, 2013 6:56 pm
LostSoul89
LostSoul89Họ tên : Nguyễn Ích Hoàn
Bài viết : 578
Xu : 1459
Thanks : 11
Age : 35
Đến từ : Thanh Hóa
Bài viết : 578
Xu : 1459
Thanks : 11
Age : 35
Đến từ : Thanh Hóa
Admin
Bài viết : 578
Xu : 1459
Thanks : 11
Age : 35
Đến từ : Thanh Hóa
Tài Sản:
.:
[Review] FFXII International Zodiac Job System (PS2)
FFXII INTERNATIONAL ZODIAC JOB SYSTEMNăm năm rồi, tôi mới có dịp chơi lại FFXII thông qua bản International Zodiac Job System có English patch. Vào những năm trước, với tôi, FFXII là một game khó xơi, khô khan và mới lạ. Nếu gọi FFXII là một bước độ phá trong dòng FF quả không sai, dù rằng những yếu tố truyền thống vẫn hiện hữu trong bản này.
Hệ máy: PS2
Thể loại: J-RPG
Phát hành: 7/8/2007
Sản xuất: Square Enix
Bài Review này được viết vào năm năm sau, khi cái nhìn và cách đánh giá game của bản thân tôi có sự thay đổi trong những năm gần đây.
STORY: MƯU TÍNH CHÍNH TRỊ ĐAN XEN LẪN NHAU
Một câu chuyện đậm chất chính trị với bối cảnh giả tưởng ở một thế giới gọi là Ivalice. Đây cũng là thế giới chung cho các phiên bản FF Tactics, FF Tactics Advance và FF Tactics A2.
Vương quốc Dalmasca thất thủ trước sự xâm lược của đế quốc Archades, công chúa Ashe cùng tùy tùng của mình phải chạy trốn, với nỗi đau mất chồng mất nước, chờ đợi ngày phục quốc. Basch - vị tướng dũng mãnh của Dalmasca bị cho là kẻ phản bội khi chính anh đã giết nhà vua Dalmasca và bán đứng mọi người làm tay sai cho Archades... Câu chuyện bắt đầu vào những năm sau, khi Vaan - một thanh niên đầu đường xó chợ tại Rabanastre – quyết đột nhập vào hoàng cung Dalmasca - lúc này dưới sự kiểm soát của quân đội Archades – nhằm lấy một số châu báu. Khi vào được đây thì anh gặp hai người có ý định tương tự là Balthier và Fran, cả ba xảy ra tranh chấp một báu vật trong đó và kết cục phải cùng chạy trốn khi quân đội Archades phát hiện. Lúc này ba người gặp được công chúa Ashe và hành trình phục quốc cho Dalmasca bắt đầu từ đây…
Story của FFXII rất khó nhai, nếu không muốn nói là quá khô khan. Toàn bộ câu chuyện là cuộc hành trình nhằm giải phóng đất nước Dalmasca của Ashe và xen lẫn là những mưu toan chính trị của phe đồng minh, của đế quốc Archades dưới sự lãnh đạo của Vayne - nhân vật phản diện chính của game. Game không có nhân vật chính rõ rệt, hầu hết mọi người đều lầm tưởng Vaan là nhân vật chính trong game và chê trách cậu ta vì vai trò quá mờ nhạt. Thực ra Vaan là người dẫn dắt câu chuyện và mỗi nhân vật xuất hiện đều có một câu chuyện nhỏ của riêng mình, để rồi tất cả hòa cùng mục tiêu chung là giải phóng Dalmasca.
Nếu cách dẫn truyện của FFXII hấp dẫn hơn một chút, cũng như câu chuyện kịch tính hơn một chút, thì chắc chắn FFXII sẽ rất lôi cuốn. Tuy nhiên đây lại là game có bối cảnh phương Tây và khai thác đời sống của các quý tộc, đời sống dân nghèo lang bạt và những hậu quả của chiến tranh gây ra, một điều mà rất ít game trong dòng main series làm được. Nếu bạn đã chơi FF Tactics thì bạn sẽ không lạ gì story dạng này, vì hai game này đều cùng một lò mà ra cả.
Này Ashe, cô đừng nhăn nhó mặt mày như thế!!
Dẫu cho điểm yếu của story là khó hiểu cũng như mạch truyện chậm thì các nhân vật lại được xây dựng khá tốt về mặt tạo hình và tính cách. Như tôi đã viết phía trên, game lấy bối cảnh phương tây và tập trung vào tầng lớp thượng lưu, nên việc tạo hình các nhân vật trong game này mang hơi hướm phương Tây khá cao. Mỗi nhân vật có cách chuyện phù hợp với tính cách của họ, như Vaan nóng nẩy, đôi khi trẻ con, và cậu dần trưởng thành suốt chiều dài story. Hay Balthier rất ngông nghênh và tự tin, khi có anh trong nhóm dẫn dắt mọi người thì cứ yên tâm là mọi chuyện sẽ đi theo đúng quỹ đạo của nó. Hay ẩn sau nét lạnh lùng của Ashe là nỗi niềm phục quốc, là nỗi đau mất nước, mất chồng, mà đôi khi nó khiến cô hành động quá bồng bột và thiếu suy nghĩ…
Chụp hình lẹ lẹ đi, tụi tui làm mẫu muốn mỏi lưng rồi!!
Tạo hình nhân vật trong game này do Akihiko Yoshida thiết kế, mang một phong cách rất khác với Tetsuya Nomura. Không đẹp một cách lung linh như Nomura, Yoshida thiết kế mỗi nhân vật đều mang một dáng vẻ rất đời thường và tạo cho người chơi cảm giác thật hơn. Nét đẹp của Ashe rất bình dị nhưng cao quý hay gương mặt đậm chất quý tộc của Balthier rất ngang tàng và ngông nghênh… Điểm yếu trong tạo hình nhân vật có lẽ là da mặt của họ, tuy rằng độ mịn trong khâu đồ họa được làm rất tốt nếu so với FFX và X-2, nhưng việc xuất hiện những mảng xám đen trên da mặt nhân vật làm chúng ta có cảm giác các nhân vật như những cô bé cậu bé lọ lem và thường không bao giờ rửa mặt. Một điểm trừ đáng tiếc cho phần này.
Xin chào, tôi là cậu bé lọ lem!!
GAMEPLAY: TUYỆT VỜI VỚI NHỮNG CẢI TIẾN THÚ VỊ
Tôi từng nghe nhiều ý kiến về Gambit System của FFXII. Có bạn bảo Gambit là auto lộ liễu, người chơi chả cần làm gì, đã có máy làm sẵn, hay có bạn nói Gambit quá khó để sử dụng, nó rắc rối và phức tạp… vâng vâng và vâng vâng. Gambit là các thẻ lệnh để nhân vật thực thi hành động trong battle và người chơi được quyền thay đổi Gambit bất cứ lúc nào trong battle, chỉ cần vào Menu và thiết lập tùy theo đối thủ. Gambit giống như AI của nhân vật, mà chính người chơi chúng ta thiết lập AI đó.
Nếu bạn là một người chơi bình thường, chỉ cần chơi cho xong story và end game, thì Gambit đóng vai trò không quan trọng lắm, bạn chỉ việc cài theo ý thích hoặc đánh bừa thì cũng xong. Còn nếu bạn muốn khám phá toàn bộ bí mật của FFXII, gặp gỡ các con boss phụ khó xơi, thì với mỗi boss bạn phải thiết lập các Gambit khác nhau nhằm tối ưu hóa thời gian đánh boss cũng như tránh việc Gameover thường xuyên. Nói chính xác hơn thì tính chiến thuật trong FFXII đều do bạn nghĩ ra, bạn thiết lập vào Gambit và xem nhân vật thực thi nó. Khi đối thủ thay đổi thì chiến thuật sẽ thay đổi và bạn sẽ cần đổi lại Gambit. Bạn cần quan sát quái xem điểm mạnh, điểm yếu, các skill của chúng như thể nào, để từ đó tối ưu hóa Gambit một cách tốt nhất.
Làm gì mà ngơ người ra thế Vaan, anh đã set Gambit chưa?
Còn nếu bạn không thích dùng Gambit, thì bạn cứ yên tâm là game cũng cung cấp cho bạn các tùy chỉnh cơ bản nhất của các FF tiền XII, lúc đó bạn có thể tùy chỉnh bằng tay luân phiên qua lại giữa các nhân vật. Dù rằng đây là một việc làm rất mất thời gian và cũng không khả thi với nhịp đánh nhanh của FFXII và mọi thứ đều diễn ra trong thời gian thực cùng hàng tá đối thủ xuất hiện xung quanh nhóm bạn.
AI của quái trong bản này rất thông minh, các con boss có thể kêu gọi các quái nhỏ xuất hiện và đánh hội đồng, hay chúng sẽ niệm các phép buff và debuff trong trận đấu, và bản thân bạn cũng phải nghiên cứu các Magick và Technick sao cho phù hợp với từng quái.
Nếu Gambit giúp bạn thiết lập chiến thuật trong battle thì License Board sẽ giúp bạn tối ưu nhân vật khi bạn có thể cho các nhân vật học Magick / Technick / Equipment hay cộng các chỉ số. License Board nói nôm na là một bảng bằng cấp, học được bằng LP (License Point) khi đánh bại một quái hoặc boss trong game. Tính thực tế của License Board là dù bạn đã học được Magick / Technick hay Equipment (Sword, Shield…) thì bạn vẫn chưa thể sử dụng được trừ khi bạn vào shop mua các món này.
Có lẽ hơi ngỡ ngàng với những bạn đã quen với kiểu học skill khi lên LV hay học skill qua Sphere Grid… ở FFXII mọi thứ đều phải học qua License Board và để trang bị được thì phải mua ở shop. Cứ tưởng tượng bạn là giáo viên và bạn có bằng cấp hành nghề, nhưng bạn không có dụng cụ dạy học, thì lúc này bạn ra shop mua các dụng cụ dạy học chuyên dụng, License Board hoạt động cũng tương tự như thế.
Ở bản FFXII thường thì mọi nhân vật đều có thể học được tất tần tật các Magick hay Equipment và các nhân vật sau này ai cũng như ai thì ở bản International, điều này sẽ không xảy ra khi nhà phát triển đã chia License Board ra làm 12 Board nhỏ tương ứng với 12 cung của Hoàng Đạo và mỗi nhân vật chỉ được chọn 1 Board và không thể thay đổi trong suốt quá trình chơi. Ví dụ bạn có thể cho Vaan trở thành một Samurai, Ashe thành White Mage hoặc Balthier thành Ranger… tùy ý thích. Vì vậy nhân vật có hữu dụng hay không đều tùy vào lựa chọn của bạn lúc ban đầu.
Tôi là Penelo, và tôi rất thích job White Mage!!
Mỗi nhân vật còn có kỹ năng đặc biệt gọi là Quickening, tương tự như Limit Break hay Overdrive trong các bản trước. Nếu ở FFXII việc sử dụng phải thông qua MP thì ở bản Inter này, mỗi nhân vật đều có một thanh Quickening Bar, thanh này đầy lên khi nhân vật bị đối thủ tấn công hay nhân vật tấn công đối thủ. Việc triệu tập Esper (tên gọi của Summon trong bản này) cũng phụ thuộc vào Quickening Bar và mỗi nhân vật có tối đa 3 thanh Quickening, tương ứng với 3 cấp độ của Quickening và Esper.
Một điểm cải tiến nữa trong bản Inter là giờ đây bạn có thể điều khiển được các Esper và Guest, tùy chỉnh Gambit cũng như chọn command lệnh cho họ. Điều này giúp cho các trận đấu thoải mái hơn và không bị gò bó bởi AI gần như thiếu muối của Esper hay Guest như bản XII trước.
Quái vật trong FFXII hiện hữu trên map và bạn sẽ đánh trực tiếp với chúng và với mỗi hành động thì thanh ATB sẽ chạy đến khi đầy thì nhân vật mới thực thi được hành động đó. Các quái vật chia theo tộc, theo loại khác nhau và tùy theo mỗi quái hay boss mà có các cách đánh khác biệt. Những quái cũ quen thuộc trong các FF trước cũng trở lại trong FFXII như Malboro, Adamantine, Tiamat…
Các quái vật còn chia thành các dạng như luôn tấn công người chơi hay chỉ tấn công người chơi nếu bị tấn công mà thôi. Độ mạnh yếu của quái cũng như phép thuật của bạn còn phụ thuộc vào yếu tố thời tiết. Tùy theo thời tiết mà quái sẽ mạnh yếu khác nhau, cũng như một số quái hiếm sẽ xuất hiện vào thời tiết nhất định.
Một yếu tố khác trong FFXII là khi bạn đánh quái, chúng sẽ không rớt Gil (đơn vị tiền tệ trong series) mà chỉ rớt Loot và bạn có thể bán Loot lấy Gil hoặc sử dụng vào Bazaar (khi bạn bán đủ số vật phẩm thì Bazaar list sẽ hiện lên và bạn có thể mua các món đồ hiếm tại đây). Khi bạn đánh các quái vật cùng loài trong cùng thời điểm thì Chain sẽ xuất hiện. Chain càng nhiều thì khả năng quái rớt Loot càng cao cũng như rớt các Loot hiếm. Steal trong FFXII cũng quan trọng không kém khi bạn có thể trộm các Loot từ quái cũng như các món đồ hiếm từ các boss.
Rương đồ trong FFXII cũng đóng vai trò quan trọng trong game. Các rương đồ đều mang yếu tố ngẫu nhiên và tùy theo may mắn mà bạn sẽ nhận được các món đồ hữu dụng.
Nếu bạn kẹt chi phí mua đồ, bạn cần thường xuyên đi làm nhiệm vụ săn quái (Mob Hunt) tại các quán Pub trên khắp Ivalice và tại Clan. Việc này sẽ giúp bạn có thêm chi phí cũng như các vật phẩm quý mà bình thường bạn không thể có được. Dù rằng để đánh bại các Mob Hunt đều cần sự kiên trì cũng như hiểu rõ về gameplay của FFXII vì đa số đều khá là khó xơi cũng như khó tìm nếu bạn không dùng hướng dẫn.
Nếu bạn chưa hài lòng về lượng Mob Hunt này thì bạn có thể săn thêm hàng chục con quái hiếm để làm đầy bộ sưu tập Bestiary của mình. Rồi các Esper ẩn cùng cách tìm ra chúng cũng sẽ làm bạn tốn không ít thời gian. Đặc biệt trong bản Inter còn có Trial cho phép bạn đấu 100 màn với các đối thủ là quái vật và boss quen thuộc trong game nhưng được tính chỉnh chỉ số và độ khó lại cao hơn, chắc chắn sẽ khiến bạn hài lòng.
Đừng nhìn chúng tôi với ánh mắt như thế, chúng tôi vừa đi săn quái về, mệt đừ người ra đây!
Dungeon trong game được thiết kế rất dài, rất rối rắm và dễ bị lạc đường nếu bạn không cẩn thận. Các địa điểm trong game được nối liền với nhau qua các hang động, sa mạc, rừng rậm và không có sự hiện diện của Worldmap như các FF tiền X. Bạn có thể choáng ngợp trước độ rộng lớn của các dungeon cũng như các thành phố trong game. Đặc biệt là độ chân thật của các NPC trong các thành phố lớn. Bạn cứ hình dung tại Rabanastre có 5-6 khu vực, và mỗi khu vực đều có hơn chục NPC trong đó, họ nói chuyện, buôn bán tấp nập, tạo sự ồn ào và náo nhiệt của thành phố lớn và bạn lúc này hòa nhập vào dòng người đó và bạn có thể trò chuyện với các NPC để hiểu thêm về các câu chuyện nhỏ của họ. Một cảm giác rất thật và rất thú vị mà các bản FF trước chưa thể làm được hoàn chỉnh như FFXII.
Mọi người chú ý, tên Vaan đó đang theo trào lưu khoe hàng lộ ngực đấy!
Nếu bạn cảm thấy việc luyện LV rất lâu và nhàm chán thì bạn có thể tăng tốc độ cho game bằng cách nhấn L1, lúc này tốc độ game sẽ tăng gấp 4 lần và việc đánh quái luyện LV hay tìm Loot sẽ giảm bớt thời gian và cũng đỡ nhàm chán hơn.
Khi hoàn thành game, bạn vẫn còn có thể tiếp tục chơi lại game với Newgame+, một phần thêm vào hoàn hảo của bản Inter. Bạn có thể chơi lại game với LV 90 cho các nhân vật và reset lại License Board, hoặc nếu bạn muốn thử thách, thì Weak Mode - khởi đầu với LV mặc định với các nhân vật và đánh quái không nhận EXP - sẽ dành cho bạn. Tất cả đều là những tính năng đáng giá mà bản Inter mang lại.
ĐẸP SẮC - XẤU THANH
Được xem là một trong những game đẹp nhất trên PS2, FFXII danh xứng với thực. Ngoại trừ điểm yếu ở phần tạo hình nhân vật mà tôi đã đề cập phía trên, thì còn lại FFXII đã làm rất tốt. Các thành phố rộng lớn sang trọng, các phong cảnh hùng vĩ nên thơ, các hầm ngục tối tăm u ám… tất cả đều được thể hiện rõ nét và chân thật cùng đồ họa đẹp mắt. Nếu bạn để ý thì tóc của các nhân vật trong FFXII rất mềm và tung bay trong gió, chứ không phải khô cứng như vuốt gel của FFX.
Em không đồng ý việc vuốt gel tạo kiểu đâu Vayne ạ, cứ thế này không phải tốt hơn sao?
Âm nhạc là một điểm trừ đáng tiếc cho game. Không thể nói là nhạc game dở, nhưng đa số đều khá nhàm chán và dễ buồn ngủ nếu bạn đi train LV hay tìm đường thoát khỏi dungeon. Điều gỡ gạc duy nhất là các bài boss battle, esper battle khá hay. Bài hát chủ đề “Kiss me say goodbye” do Nobuo Uematsu viết không quá hay như những bài trước đó do ông sáng tác.
Vấn đề lồng tiếng của game cũng là một điểm trừ của game. Game được lồng tiếng với đa phần là giọng British và mang nặng âm điệu của người Anh, khác với FFX đều do American Actor lồng tiếng. Vì vậy game hơi khó nghe và trong game cũng sử dụng các từ English không mấy thông dụng và mang ẩn ý khá nhiều. Tuy nhiên nếu bạn chịu khó nghe và dần quen thì bạn sẽ thấy cái hồn của phong cách thượng lưu, của giới quý tộc và chính khách phương Tây thông qua các giọng lồng tiếng, dẫu rằng cá nhân tôi thì FFXII chỉ dừng ở mức nghe tạm.
KẾT
Dù 5 năm đã trôi qua, cùng hàng loạt game mới trên các hệ máy mới, nhưng FFXII(đặc biệt là bản International) vẫn có chỗ đứng nhất định trong thể loại J-RPG và trong series FF. Phá cách nhưng vẫn giữ những gì cốt lõi nhất của series, cải tiến nhưng vẫn duy trì những điểm mạnh của series, FFXII là một game đáng để chơi và trải nghiệm, nếu bạn là fan của FF nói riêng và fan của J-RPG nói chung.
STORY: 8/10
GAMEPLAY: 9/10
GRAPHIC: 9/10
MUSIC: 7/10
RE-PLAY: 9/10
-----------------
OVERALL: 42/50
ƯU
Gameplay hấp dẫn, mang tính chiến thuật cao
Rất nhiều bí mật để khám phá, cũng như tăng giá trị chơi lại nhờ License Board và Newgame+
Đồ họa đẹp
KHUYẾT
Story kén người chơi, dẫn dắt dài dòng và không có kịch tính
Âm nhạc không hay
Lồng tiếng hơi khó nghe
Người viết: LK